Mọt gạo


Mọt gạo    Tên khoa học: Sitophilus oryzae Linné

Họ: Curculionidae

Bộ: Coleoptera

Phân bố và tác hại

Nhiều nguồn tài liệu đều xác nhận mọt gạo phân bố hầu khắp thế giới. Ở các nước nhiệt đới và á nhiệt đới trong các sản phẩm ngũ cốc đều gặp mọt này. Ở nhiều nước, mức độ phổ biến của mọt gạo còn rộng hơn mọt thóc rất nhiều. Có thể mọt gạo có nguồn gốc từ Ấn Độ.

Đối với lương thực bảo quản trong kho ở nước ta, mọt gạo được xếp vào loại sâu hại nguy hiểm số một. Bởi vì mọt gạo ăn hại tất cả các loại lương thực, mọt gạo sinh sản rất nhanh, có khả năng thích nghi rộng với các điều kiện ngoại cảnh khác nhau, thời gian sống dài hơn các loại mọt khác.

Ngoài lương thực, hầu hết các hàng từ thực vật như đậu đỗ, hạt có dầu, dược liệu, các loại quả khô,… đều bị mọt gạo ăn hại.

Theo kết quả điều tra, ở tất cả các vùng ở nước ta đều thấy mọt gạo, tất cả các tháng trong năm đều thấy có mọt này, và sự biến động về số lượng giữa các tháng trong năm không đáng kể.

Mọt có vòi nhọn, khi ăn hại, nó dùng vòi đục một lỗ nhỏ, đẻ trứng vào vật bị hại, sâu non phát triển trong đó, ăn hại làm cho sản phẩm chỉ còn lại một lớp vỏ mỏng, không còn giá trị sử dụng nữa.

Đặc điểm hình thái

Dạng trưởng thành: Thân dài 3 – 4 mm, rộng 1,0 – 1,2 mm, toàn thân màu nâu xám đen, trên đầu có vòi nhô dài ra. Râu hình đầu gối có 8 đốt. Trên mảnh ngực trước có những đốm tròn nhỏ lõm vào. Trên cánh cứng có những đường dọc lõm cũng có những điểm tròn. Trên lưng cánh cứng gần đầu và gốc cánh có 4 vòng gần tròn màu vàng nâu hay đỏ nâu trông rất rõ. Ở dưới cánh cứng có màng phát triển.

Con đực có vòi ngắn và to hơn con cái, trên mặt lưng chấm lõm dài và rõ hơn con cái. Ngoài ra trên vòi con cái không có chấm lõm ở đoạn cuối.

Trứng: Dài 0,45 – 0,70 mm, rộng 0,24 – 0,30 mm, hình bầu dục dài, một đầu có hình nuốm phình ra. Lúc mới nở màu trắng sữa, dần dần biến thành màu vàng nhạt, đục.

Sâu non: Trưởng thành mình dài 2,5 – 3,0 mm, đầu nhỏ màu nâu nhạt, ngực và bụng màu trắng, trên mình có nhiều đường vân ngang. Thân mập, ngắn, thường cong lại làm cho mặt lưng thành hình bán nguyệt. Mặt bụng gần như bằng, có màu trắng đục.

Nhộng: Thân dài 3,5 – 4,0 mm, hình bầu dục, lúc mới hóa nhộng màu trắng sữa, sau thành màu nâu nhạt.

Đặc tính sinh vật học

Mọt hoạt bát. Có tính giả chết, thích bò lên cao và phía ngoài các bao nông sản, bay được khá tốt. Mọt có thể sinh sôi nảy nở trong kho và cả ngoài đồng. Khi đẻ trứng, dùng vòi có hàm trên ở phía đầu vòi khoét một lỗ, sau đó đẻ trứng vào lỗ này và dùng ống đẻ trứng tiết ra một chất nhầy bảo vệ trứng và bịt kín lỗ lại. Mỗi lần đẻ 1 quả, có khi 2 – 3 quả (Provett, 1960). Thời gian để đẻ 1 quả trứng tùy thuộc vào độ cứng của nông sản, thường mất khoảng 1/2 đến 2 giờ. Mỗi con mọt cái một ngày có thể đẻ được 3 – 10 trứng, mỗi năm bình quân đẻ 380 trứng, nhiều nhất có thể để tới 576 trứng. Từ một đôi mọt đực và mọt cái, nếu sống trong điều kiện thích hợp, theo tính toán trong một năm có thể sinh sôi, nảy nở thêm 800.000 con khác.

Sâu non nở ra là bắt đầu ăn hại, đục sâu vào trong lòng hạt, làm cho hạt chỉ còn lại lớp vỏ bên ngoài, không còn giá trị sử dụng nữa. Ở vùng nhiệt đới mỗi năm sinh 4 – 7 lứa. Ở vùng ôn đới, khí hậu lạnh mỗi năm chỉ sinh 1 – 2 lứa. Thời kỳ trứng 3 – 16 ngày, sâu non 13 – 28 ngày, tiền nhộng 1 – 2 ngày, nhộng 4 – 12 ngày, trưởng thành 54 – 311 ngày. Sâu non có 4 tuổi: tuổi 1 đến tuổi 3 từ 3 – 4 ngày, tuổi 4 từ 4 – 9 ngày.

Thời gian hoàn thành một thế hệ mọt gạo phụ thuộc rất chặt chẽ vào độ nhiệt, độ ẩm và thức ăn. Theo kết quả nghiên cứu thì thấy: trong lương thực có thủy phần 14% và độ nhiệt 200C thì thời gian hoàn thành một thế hệ mọt gạo khá dài, trong lúa mì 53 ngày, trong thóc 60 ngày. Khi độ nhiệt tăng dần đến 280C thì thời gian hoàn thành một thế hệ rút ngắn lại. Tăng độ nhiệt từ 28 lên 300C, thời gian hoàn thành một thế hệ gần như không thay đổi: trong lúa mì là 38 ngày, trong thóc và ngô khoảng 40 – 41 ngày, còn trong khoai sắn lát khô trên 50 ngày. Độ nhiệt tăng tới 320C tốc độ sinh sản giảm, thời gian hoàn thành một thế hệ kéo dài: trong lúa mì, thóc và ngô tới 53 – 54 ngày, trong khoai khô 71 ngày, và trong sắn khô 90 ngày. Ở 340C nói chung sự sinh sản khó khăn.

Thời gian hoàn thành một thế hệ phụ thuộc chặt chẽ vào thủy phần của hạt. Khi thủy phần của hạt tăng thì thời gian hoàn thành một thế hệ mọt giảm. Sự phụ thuộc này không theo dạng đường thẳng, mà theo dạng hàm số bậc hai. Khi trong lúa mì, ngô, thóc và sắn lát có thủy phần 11,5% trứng mọt vẫn còn khả năng nở và trở thành mọt, nhưng thời gian hoàn thành một thế hệ trên 70 ngày. Riêng trong khoai khô, với thủy phần này, mọt không sinh sản được. Khi thủy phần của hạt tăng tới khoảng 14,3 % thời gian hoàn thành một thế hệ rút ngắn dần, nhưng nói chung tốc độ chuyển hóa các giai đoạn ấu trùng thành mọt vẫn còn chậm. Với thủy phần lương thực từ 15 % trở lên thì mọt nở khá nhanh.

Mọt gạo hoạt động mạnh nhất ở độ nhiệt 24 – 300C, trong đó thích hợp nhất là độ nhiệt 290C. Ở dưới 130C và trên 380C mọt sẽ ngừng hoạt động. Theo Cotton thời gian thực hiện một thế hệ ở 27,20C chỉ mất 25 ngày, còn ở 170C mất tới 92 ngày. Độ ẩm tương đối của không khí thích hợp nhất đối với sự phát triển của mọt gạo khoảng 90 – 100 %, độ ẩm cần thiết của sự đẻ trứng thấp nhất khoảng 60 %. Mọt không thể sinh sản ở hạt có thủy phần dưới 8 % và trên 40 %, thủy phần tối thiểu, cần thiết cho sự sinh sản là 10 %, tốc độ sinh sản mạnh nhất là khi thủy phần của hạt từ 15 – 20 %, trong đó thích hợp nhất khi thủy phần hạt là 17 %, quá 20 % thủy phần thì sự sinh sản chậm lại.

Theo tài liệu của Nhật Bản, gạo có thủy phần 17,6 %, nuôi sau 58 ngày ở các độ nhiệt khác nhau, kết quả sinh sản như sau:

- Ở 300C, số mọt ban đầu 10, về cuối 49, tỉ lệ sinh sản tăng 390 %. Số sâu non tăng 1.130 %.

- Ở 200C, số mọt ban đầu 10, về cuối, tỉ lệ sinh sản tăng 110 %. Số sâu non tăng 380 %.

- Ờ 100C, số mọt ban đầu 10, về cuối 12, tỉ lệ sinh sản tăng 20 %. Số sâu non giả 30 %.

- Ở 00C, số mọt ban đầu 10, về cuối 7, giảm 30 %. Số sâu non giảm 70 %.

Mọt gạo có khả năng nhịn ăn, thời gian nhịn ăn phụ thuộc chủ yếu vào độ nhiệt, có thể từ 6 - 12 ngày. Khi độ nhiệt tăng thì thời gian nhịn ăn giảm. Thời gian nhịn ăn của mọt gạo khi độ ẩm không khí 80 - 90 %, ở độ nhiệt 16 - 180C là 32 ngày, ở 20 - 250C là 19 ngày, ở 26 - 270C là 6 - 8 ngày.

Mọt gạo trung bình sống khoảng 180 – 200 ngày. Thời gian sống của mọt gạo phụ thuộc chủ yếu vào độ nhiệt và thủy phần của hạt. Bảng: Thời gian sống của mọt gạo các trong thủy phần khác nhau của hạt ở độ nhiệt 25 – 270C

Tư vấn và khảo sát miễn phí mời liên hệ hotline: 0904 813 959

Trụ sở chính:

Địa chỉ:  Số 44, ngõ 12, Đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Điện thoại: 04.35690353            -          Fax: 04.35690354.
E.mail: tcfchanoi@gmail.com
        -       Website: tcfchanoi.vn

Văn phòng chi nhánh:

VP Hải Phòng: Số 151,Bùi Thị Tự Nhiên,Đông Hải,Hải An,Hải Phòng

VP Gia Lâm: Số 9, ngõ 55, đường Cổ Bi, Cổ Bi, Gia Lâm, Hà Nội.

VP Xuân Mai: Tiểu khu Liên Sơn, Lương Sơn, Hòa Bình.

VP Hưng Yên: Thôn Linh Hạ, Nhật Tân, Tiên Lữ, Hưng Yên.

VP Đông Anh: Thị trấn Đông Anh, Đông Anh, Hà Nội